NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | CÁI ĐÓI HÀNH HẠ TẤT CẢ MỌI NGƯỜI

Ngày 23/04/2021 14:02:46, lượt xem: 6404

Đề bài:
Nói về việc sáng tác truyên ngắn “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân tâm sự: “Cái đói hành hạ tất cả mọi người, nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đắng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự. Truyện ngắn “Vợ nhặt”, khai thác các khía cạnh sau cùng của các bi kịch đó”.
Bằng những hiểu biết về truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.

 



Bài làm:
Kim Lân được coi là nhà văn thành công về đề tài nông thôn với những con người bé nhỏ và cam phận, những vẻ đẹp chân quê bình dị và những phong tục tập quán độc đáo của làng quê Bắc bộ. Từng trang viết của nhà văn sinh ra từ đồng ruộng này đều cay xè khói bếp, thơm thơm mùi lúa mới, ngai ngái mùi rơm rạ, bảng lảng những cánh cò chao nhịp... Trên mảnh đất xưa cũ ấy nhà văn Kim Lân cũng đã xây cho mình ngôi nhà rất riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức với thời gian. Khác với tư tưởng của các cây viết cùng đề tài, làng quê trong văn Kim Lân dẫu với các nhân vật nghèo, dân lao động thô sơ vẫn không bao giờ bị lam lũ, thô mộc, tuềnh toàng vây bủa mà vẫn toát lên những nét yêu đời, trong sáng, tài hoa. “Vợ nhặt” đã thể hiện rõ phong cách sáng tác của Kim Lân, nơi mà “Cái đói hành hành hạ tất cả mọi người, nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đắng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự”.


Có lẽ bạn đọc biết đến Kim Lân qua những trang văn viết về về người lao động, về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng với cuộc sống bình dị, nghèo khó, một cuộc sống cùng cực nhưng vẫn chan chứa biết bao tình. “Vợ nhặt” là một trong những tác phẩm như thế. Tiền thân của nó từ tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” song vì kháng chiến mà bảo thảo đã bị thất lạc và rơi rớt nhiều. Cho nên, Kim Lân đã viết tác phẩm này dựa trên những hình dung, tưởng tượng về nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà từ Quảng Trị đến Bắc Kì có hai triệu đồng bào chết đói. Về sau “Vợ nhặt” được in vào tập “Con chó xấu xí” năm 1962 và trở thành tác phẩm thành công nhất viết về nạn đói. Chính tâm sự trên của Kim Lân đã chỉ rõ cho chúng ta thấy trong “Vợ nhặt” không chỉ có những bi kịch, bất hạnh của con người trong cái đói đồng thời khẳng định vẻ đẹp tiềm ẩn nhưng ngời sáng của con người bất chấp, vươn lên trên hoàn cảnh.


Mở đầu tác phẩm, một bức tranh cuộc sống về nạn đói năm 1945 hiện lên trước mắt bạn đọc vô cùng khủng khiếp và rùng rợn. Ngòi bút Kim Lân đã miêu tả hết sức chi tiết và cụ thể ở cả không gian cảnh vật và đời sống con người. Bao trùm lên tất cả là không khí tang tóc, u ám; cảnh vật thê lương, ảm đạm, con người thì dật dờ như những bóng ma. Nếu trong hội họa bức tranh được vẽ bởi đường nét, hình khối và màu sắc thì bức tranh của Kim Lân được vẽ lên bởi ngôn từ và cảm xúc xót xa, đau đớn. Ở đó có đầy đủ từ màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi vị, … và tất cả được hòa lẫn vào “cái đói” đang bao trùm lấy cả xã hội. Cả “Vợ nhặt” đang chìm trong “cái chết”, một cái chết mênh mông. Một màu xám xịt bủa vây từ ngã tư xóm chợ về chiều, màu tối mênh mông của những cánh đồng, hai bên dãy phố tưởng như sẽ khá khẩm hơn nhưng cũng úp xúp tối om, không nhà nào có ánh đèn, ánh lửa. Vẩn lên trong bầu không khí là mùi ẩm mốc của rác rưởi, mùi gây gây của xác người và mùi đốt đống dấm khét lẹt. Và cả những âm thanh rợn người, nào tiếng quạ kêu thê thiết, tiếng hờ khóc tỉ tê của những gia đình có người chết đói, rồi cả tiếng trống thúc thuế đầu làng. Nổi bật trên phông nền đó là những gốc đa, gốc gạo xù xì, những cánh quạ vẩn trên bầu trời như những đám mây đen và ngôi nhà của Tràng thì siêu vẹo, méo mó. Phía ngoài xa dòng sông trắng uốn khúc quanh cánh đồng tối mênh mông. Mọi hình ảnh không có dấu hiệu của sự sống, tất cả đều ám chỉ cho nạn đói và sự chết chóc. Và con người cũng vậy! Bóng những người chết nằm cong queo bên đường, người sống thì đi lại dậ dờ bên những gốc đa, gốc gạo rồi cả những người tả cư từ vùng Thái Bình, Nam Định bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma. Những người còn sống đều thoi thóp đang chờ để lạc vào cõi chết. Tất cả đều nằm trong guồng quay của nạn đói. Có lẽ không nên gọi đây là bức tranh về cuộc sống khi cái chết đang thống trị, tràn ngập còn sự sống thì nhỏ nhoi, mờ nhòa.


Đằng sau bức tranh ấy là những con người – nạn nhân của cái đói, người đọc dễ dàng nhận ra điều đó ở anh cu Tràng, cô vợ nhặt, bà cụ Tứ và cả người dân xóm ngụ cư. Cái đói với Tràng không hiện lên ở miếng cơm, manh áo bởi dù sao anh ta vẫn còn sức khỏe để kéo thóc thuê, thậm chí khi đứng trước người vợ nhặt, anh còn tỏ ra hào phóng “rích bố cu”. Nhưng sâu trong tâm khảm Tràng, cái đói vẫn lẩn khuất và được bộc lộ trong hoàn cảnh Tràng phải lựa chọn: hạnh phúc hay sự sống. Vốn dĩ anh ta không dám mơ đến việc mình có vợ vì nó quá xa xỉ thế nên khi hạnh phúc trong tầm tay, Tràng lại thấy “chợn”. Tràng sợ lấy vợ trong lúc này là đến gần hơn với cái chết. Chính cái đói đã khiến con người ta không dám có ước mơ, khát khao. Đến với thị, cái đói đã rõ ràng hơn vì nó gắn với miếng ăn. Thị nghèo từ cái tên, thị chỉ còn biết ngồi vêu ở xó tỉnh để nhặt hạt rơi, hạt vãi và bất ngờ Tràng xuất hiện với câu hò mùi mẫn “Muốn ăn cơm trắng với giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”, thị đã ton chạy lại giúp anh nhưng nào ngờ đó chỉ là lời bông đùa của Tràng. Đến lần sau, thị gặp lại Tràng trong bộ dạng gây ám ảnh mãi trong tâm trí người đọc: “tay vân vê tà áo đã rách bợt”, thân hình tiều tụy, khổ sở “thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.” Dưới chân thị là vực thẳm, là chết đói thị tức tối đứng trước Tràng mà sưng sỉa, cong cớn cho rằng Tràng là kẻ thất hứa. Tất cả chỉ vì miếng ăn mà thành ra như vậy. Sau khi được Tràng đãi một chầu bánh đúc, thị lại bám vào lời nói đùa của Tràng để theo không hắn. Vì đói, vì khát, người đàn bà này buộc phải bỏ qua danh dự và nhân phẩm của mình. Như vậy, cái đói với thị thê thảm và khủng khiếp hơn rất nhiều. Cái đói không chỉ đe dọa những người trẻ như Tràng và Thị mà nó còn đè lên đôi vai của bà cụ Tứ, một người đã sắp gần đất xa trời. Trong tâm trí bà không thể nào xóa được nỗi ám ảnh về nạn đói đã cướp đi người chồng và người con gái bà yêu thương. Và giờ đây, gia đình bà một lần nữa tiến tới bờ vực của cái chết thì trớ trêu thay Tràng lại bất ngờ có vợ. Chính điều này càng đẩy gia đình bà đến gần hơn nữa với cái chết, bởi thời buổi ấy thêm miệng ăn là cái chết thêm gần. Những giọt nước mắt xót xa, tùi hờn đã lăn xuống bởi bà thương cho các con và trách bản thân mình là mẹ mà không làm tròn trách nhiệm với con cái. Cái đói lẩn khuất khắp mọi nơi, những đứa trẻ của xóm ngụ cư hàng ngày vui vẻ đón Tràng đi làm về nhưng hôm nay trong cơn gió lạnh ngắt của buổi chiều chúng ủ rũ, mệt nhọc và đói khát.


Nhưng Kim Lân không dừng lại ở nỗi khốn cùng của người dân lao động, điều mà Kim Lân hướng đến không phải là cái đói, cái chết mà dùng nó để làm đòn bẩy khẳng định sự sống trong họ, khẳng định dù trong hoàn cảnh cơ cực, con người vẫn vươn lên để sống và khao khát. Kim Lân viết “Vợ nhặt” không chỉ bằng con mắt hiện thực sắc lạnh mà còn bằng cả trái tim chan chứa yêu thương và trân trọng con người. Qua đó nhà văn phát hiện những tia sáng về đạo đức, danh dự, đằng sau những số phận bi kịch là vẻ đẹp tâm hồn, là những khát khao bản năng của con người.


Với tấm lòng rất mực nhân hậu, Kim Lân đã nhìn thấy đằng sau những lo lắng về cuộc sống trong nạn đói từng thống trị đầu óc khù khờ của Tràng là cái tặc lưỡi “chậc kệ” – một quyết định có phần liều lĩnh, bồng bột nhưng nó được xuất phát từ một tấm lòng nhân hậu, sự cảm thông với con người cùng cảnh ngộ. Từ ngày nhặt được vợ, Tràng dường như thay đổi hoàn toàn. Tâm hồn Tràng lúc này chỉ hướng đến sự sống, hạnh phúc gia đình. Tràng dường như không còn khù khờ như trước mà tỏ ra đầy chín chắn, trách nhiệm, vun vén cho gia đình nhỏ của mình. Trước khi đưa thị về nhà, Tràng đã mua một cái thúng con, hai hào dầu, và một vài thứ lặt vặt, … để làm sinh lễ ngày cưới và cũng để an ủi người đàn bà kia. Khi có vợ Tràng cảm nhận có một cái gì mới mẻ “trong người êm ái lửng lơ”, hắn chợt nhận ra “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ”. Hạnh phúc đã khiến Tràng biến đổi hẳn: “bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng” tình yêu, hạnh phúc khiến Tràng như thay đổi rõ rệt, tâm hồn anh giờ đây như ngập tràn “hương vị hạnh phúc”, “bây giờ hắn mới thấy hắn nên người”. Rõ ràng với tấm lòng khao khát hạnh phúc, Tràng đã đứng vững để cùng người vợ nhặt ước mơ những điều đơn giản nhất của con người: mái ấm gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ. Chi tiết: "Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà" là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã có một ý thức bổn phận sâu sắc: "hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này". Tràng thật sự "phục sinh tâm hồn" đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc. Có lẽ giờ đây Trang đã ý thức được bổn phận và trách nhiệm của bản thân, của một người chồng, một người con trai cả. Tràng đã không còn suy nghĩ đơn giản, ngây ngô như lúc chưa có vợ nữa. Giờ đây, điều mà anh ta nghĩ đến là tương lai của gia đình, tương lai để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một mái ấm gia đình hạnh phúc hơn. Một chi tiết đặc biệt ở cuối tác phẩm “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới.” Hình ảnh lá cờ như mở ra một bước ngoặt trong nhận thức của Tràng. Có lẽ, con đường các mạng như là ánh sáng mở đường cho tương lai của Tràng và gia đình Tràng. Là con đường giúp Tràng vực dậy thay đổi số phận “khốn khổ” của mình. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 không nhìn thấy được, và cũng là nét chấm phá làm nên một Kim Lân rất riêng trong giai đoạn này. Nền văn học mới sau Cách mạng tháng Tám đã đặt vấn đề và giải quyết vấn đề số phận con người theo một cách khác, lạc quan hơn, nhiều hi vọng hơn. Những thay đổi lớn lao trong suy nghĩ, tâm trạng nhân vật Tràng là biểu hiện rõ nhất cho tâm hồn khao khát sống, hướng về ánh sáng.


Còn thị - người con gái không rõ tên tuổi tưởng chừng như mất hết danh dự vì miếng ăn nhưng Kim Lân vẫn nhìn thấy ở người con gái ấy những phẩm chất tốt đẹp. Ngay ở hành động theo không Tràng - một người đàn ông xa lạ về làm vợ, nhìn bề ngoài là sự mất giá đến thảm hại của người phụ nữ. Nhưng sâu thẳm bên trong người đàn bà khốn khổ ấy là một lòng ham sống mãnh liệt. Hành động thị theo không Tràng mà không cần cưới cheo, bên ngoài là bản năng sinh tồn, bấu víu vào sự sống. Nhưng sâu hơn, đó cũng là hành động biểu thị khao khát chính đáng, cơ bản của con người. Với tấm lòng nhân hâu, Kim Lân thấy thị sau vẻ ngoài nhếch nhác và tiều tụy là một người biết điều, ý tứ. Trên đường về, thị ngượng ngùng, chân nọ díu cả vào chân kia. Về đến nhà Tràng, thấy cảnh tượng xơ xác của gia đình nhà chồng, thị chỉ nén một tiếng thở dài cam chịu, tuy thất vọng mà không hề kêu than. Thị mân mê tà áo đã rách bợt, tần ngần đứng ở mép giường. Khi gặp bà cụ Tứ, thị lễ phép chào bà cụ, không giấu nổi sự ngượng ngùng. Sáng hôm sau trong bữa ăn, thị cúi xuống bát cháo cám, đôi mắt tối sầm nhưng vẫn điềm nhiên và vào miệng một cách ý tứ. Dù một nỗi tủi hờn len vào tâm trí thị và mọi người. Cũng giống Tràng, khi có gia đình thị dường như không còn cái vẻ chao chát, chỏng lỏn như hồi đầu gặp ngoài chợ nữa mà thay vào đó là một người phụ nữ hiền hậu đúng mực. Thị dậy sớm cùng bà cụ Tứ xăm xắn quét tước nhà cửa, thu dọn vườn tược giúp ngôi nhà thêm quang quẻ. Không tốn quá nhiều giấy mực, chỉ bằng những chi tiết ngắn gọn nhưng cũng thật đắt giá, Kim Lân đã xây dựng thành công nhân vật người vợ nhặt. Đó là hình ảnh của một người phụ nữ với hình hài khốn khổ, tội nghiệp thế nhưng trong tâm hồn lại ẩn chứa sự nhạy cảm, tinh tế, sức sống tiềm tàng mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc khi đang ở bên bờ vực thẳm.


Những tia sáng về đạo đức và danh dự ấy còn ngời sáng ở nhân vật người mẹ - bà cụ Tứ. Một người mẹ Bà cụ Tứ là một người mẹ giàu tình yêu thương, luôn tin tưởng và lạc quan về cuộc sống và sẵn sàng hi sinh vì hạnh phúc của các con. Những gì đã diễn ra trong tấm lòng của một bà mẹ nghèo khó nhưng giàu lòng nhân hậu và từng trải. Bà hiểu ơn ai hết gia cảnh của mình cùng cảnh ngộ của người con trai bà trong những ngày đói kém hiện tại. Vì vậy lúc đầu thấy một người đàn bà xa lạ đến nhà mình gọi mình bằng “U”, bà hết sức ngạc nhiên, nhưng bằng kinh nghiệm và sự từng trải, qua thái đố rối rít như một đứa trẻ của con trai, bà đã hiểu hết ra cơ sự. Bà lão đành “cúi đầu nín lặng” một sự nín lặng chứa đựng bao nỗi thương sót và trĩu nặng suy tư: “Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là trong lúc nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con mở mặt sau này còn mình thì … Biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không”. Đó là tâm lý tủi thân tủi phận. Nhưng là sự thương thân tủi phận của một người mẹ đầy tình yêu thương và trách nhiệm. Do vậy mà nó ẩn chứa bao nỗi lo lắng, dằn vặt, xót xa của tấm lòng người mẹ trước cảnh ngộ trớ trêu và đáng thương của đôi con trẻ trong những ngày đói khát. Nhưng bằng tình yêu thương vô bờ bến, bà cụ đã từ chỗ tủi cho phận mình, thương cho con mình bà lão chuyển sang cảm thông, thương xót cho người đàn bà xa lạ bỗng nhiên trở thành vợ của con mình. “Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót. Bà lão nhìn thị đầy cảm thông: người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới được vợ”. Vậy là tình yêu thương con, yêu thương đồng loại, một trái tim giàu lòng nhân ái, bà mẹ nghèo đã chấp nhận người con dâu. Sáng hôm sau, khi có người con dâu mới, bà lão nhanh nhẹn khác hẳn ngày thường. Bà vui tươi quét dọn cùng với con dâu bữa ăn đầu tiên. Người mẹ ấy đã nhen nhóm một niềm tin vui sống, niềm hi vọng mới giúp con người có thêm sức sống để để vượt qua những ngày đói nghèo hiện tại, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nếu như “Chí Phèo” hay “Lão Hạc” của Nam Cao đều chọn “cái chết” để kết thúc cho cuộc sống khốn khổ, bất hạnh của bản thân. Thì nhân vật của Kim Lân đều được rẽ sang một hướng khác. Nơi đó có hạnh phúc, có tình người. Hướng con người tới một cuộc sống lạc quan, yêu đời hơn và điều quan trọng là tin vào cách mạng, vào Đảng.


Một nhà văn “nguyện một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn" như Kim Lân đã thực sự thành công với “Vợ nhặt” bởi nó không chỉ dựng lại bức tranh hiện thực về nạn đói năm 1945 mà cao cả hơn hết là sự yêu thương, trân trọng vẻ đẹp, khát vọng của con người. Đúng với lời tâm sự mà Kim Lân từng chia sẻ: “Cái đói hành hạ tất cả mọi người, nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đăng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự. Truyện ngắn “Vợ nhặt”, khai thác các khía cạnh sau cùng của các bi kịch đó”. Có điều gì quý giá và đáng trân quý hơn thế. Tình người, tình đời thêm một lần nữa thấm đẫm trong những trang sách Kim Lân.

 

Để làm chủ bài văn, các em có thể đăng ký khóa học 10 NGÀY "CHẠY" VĂN của Học Văn chị Hiên nhé!

ĐĂNG KÍ KHOÁ HỌC TẠI ĐÂY!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan